Lễ hội truyền thống chiến thắng Vân Đồn 1288.
Đó là làng Quan Lạn, trên đảo Vân Hải, nơi có ngọn núi cao vút lên trên quần đảo giữa trùng khơi vùng Đông Bắc. Ngọn núi bốn mùa mây phủ, người địa phương gọi là Vân Sơn (núi Vân). Thời tiền Lê (980), triều đình đã cho xây dựng dưới chân núi Vân một đồn canh - vọng gác cửa biển, thì Vân Hải được gọi là Vân Đồn.
Năm 1149, vua Lý Anh Tông phong sắc Trang Vân Đồn, đồng thời xây dựng Vân Đồn thành thương cảng quốc tế, một cửa biển đầu tiên của Nhà nước phong kiến Đại Việt và hưng thịnh suốt 3 triều đại: Lý - Trần - Hậu Lê (Lê sơ).
Vân Đồn có vị trí kinh tế - quốc phòng quan trọng, giặc Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba (1287 - 1288), chọn cửa biển này đổ quân thủy binh bộ chiến. Khi ấy, giặc Nguyên - Mông hùng mạnh từng xâm chiếm nhiều nước trên thế giới, đạo quân chủ lực của chúng chọc thủng các tuyến phòng ngự biên ải, tiến sâu vào kinh thành Thăng Long. Chúng không ngờ mưu kế Đại Việt, dùng chiến tranh du kích, “tiêu thổ kháng chiến”, triệt nguồn quân lương tại chỗ. Binh sĩ giặc Nguyên mấy chục vạn miệng ăn, tháng ngày mong đợi vào nguồn tiếp tế từ hậu phương xa vạn dặm.
Tướng giáp Đông Nam Văn diễu binh, thúc giục dân làng nêu cao nghĩa khí chống giặc giữ nước giữ nhà.
Ngày 11 tháng giêng năm Mậu Tý (1288), Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thống lĩnh thủy binh, có sự phò giúp của 3 Phó tướng người địa phương là: Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng, Phạm Quí Công, phục binh trên sông Mang (eo biển Vân Đồn), chặn đánh đoàn thuyền quân lương của giặc Nguyên Mông. Các vị tướng tài ba, binh sĩ dũng cảm, thuyền nhỏ đội sóng lướt nhanh trên mặt nước, đánh “giáp lá cà” chiến thuyền nặng tải, chậm chạp của giặc.
Trên khoang thuyền giặc, quân ta dùng cỏ khô, nhựa chám, thầu dầu chất dễ cháy phóng hỏa; dưới đáy nước thợ lặn đục bục lườn thuyền giặc. Trận chiến kéo dài gần 10 ngày đêm, quân ta phần đánh đắm, phần bắt sống thuyền giặc, gồm 100 chiếc đại thuyền chiến tải và 70 vạn thạch lương thảo (1 thạch bằng 6 cân tầu, 2 cân tầu bằng 1kg), cùng nhiều binh cụ.
Trận Vân Đồn là trận hải chiến kinh điển nhất trong lịch sử Việt Nam (các trận Bạch Đằng Giang, Vạn Kiếp thủy chiến trên sông, có bộ binh phối hợp chiến đấu). Trận hải chiến Vân Đồn, gần 10 ngày đêm giao chiến ác liệt với giặc trên biển sâu. Sóng to, gió cả, quân dân Đại Việt thắng lợi, nhưng cũng có tổn thất, nhiều người vị quốc vong thân, ba Phó tướng: Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng, Phạm Quí Công anh dũng hy sinh.
Để nghi nhớ công ơn của địa phương, của các nghĩa sĩ vong thân vì dân vì triều đình, Nhà nước phong kiến đã sắc phong cho làng Quan Lạn hương hỏa, lập đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, chư vị Đô đốc, các Phó tướng: Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng, Phạm Quí Công lớp tướng lĩnh hải quân đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam.
Nay thần sắc thất truyền, thần tích còn để lại, hàng năm làng Quan Lạn (nay là xã Quan Lạn) tổ chức tế lễ tướng lĩnh, binh sĩ vong thân trong trận hải chiến vẻ vang ở địa phương. Lễ gắn với hội làng, được tổ chức trong 10 ngày (tương ứng với thời gian diễn ra cuộc hải chiến), từ 10 - 19/6 nguyệt lịch (sử không ghi, nhưng có lẽ mốc thời gian này là khi triều đình xuống chiếu sắc phong, vì trận hải chiến Vân Đồn còn diễn ra trước trận đại chiến 9/4/1288 trên sông Bạch Đằng).
Tướng Đoài Bắc Võ, hiệu triệu ba quân tướng sĩ trung quân ái quốc, bảo vệ đất thiêng biển đảo Vân Đồn.
Lễ hội làng Quan Lạn có khác với các lễ hội truyền thống ở các địa phương bạn cùng ở vùng biển Đông Bắc hoặc ở châu thổ sông Hồng. Lễ hội cùng với các nghi thức tế lễ cáo thần, dâng hương nghĩa sĩ, còn tổ chức thực cảnh diễu võ dương oai trục làng, phục dựng trận hải chiến anh hùng ở sông Mang tại bến Đình (bến nước sâu trước cửa đình làng).
Làng chia làm 2 giáp, giáp Văn và giáp Võ, mỗi giáp có một chủ tướng riêng. Giáp Văn, gồm dân cư sinh sống ở phía Đông Nam đảo gọi là Đông Nam Văn. Giáp Võ ở phía Tây Bắc đảo, gọi là Đoàn Bắc Võ. Ngày hội, hai giáp diễu binh, kêu gọi dân đảo đoàn kết, phát triển kinh tế, bảo vệ biên hải và đua thuyền rồng.
Gần đây, các nghi lễ cổ có tinh giản cho phù hợp với nếp sống văn hóa mới, như rút ngắn thời gian lễ hội, không tổ chức thực cảnh mà sân khấu hóa mô phỏng cuộc hải chiến, thi bơi chải thuyền rồng. Lễ hội có bổ sung một số hoạt động văn hóa - thể thao, tăng không khí ngày hội. Nhưng lệ làng phong tướng thì vẫn giữ nguyên. Mỗi năm mỗi giáp tự phong tướng một lần, theo hình thức dân làng suy tôn, tập thể biểu quyết.
Gọi là lệ làng phong tướng, nhưng không phải do làng tự bày đặt ra lệ này, mà triều đình ngày ấy có sắc, ngày nay ta gọi là quyết định của cấp thẩm quyền cho làng tự chọn người đức - tài để suy tôn tướng, người đầu hàng quân. Lệ có quy định tiêu chuẩn, quyền lợi, nghĩa vụ, thể lệ phong tướng.
Ngày trước, tiêu chuẩn phong tướng phải là bậc chức sắc, bản nha trong làng, tuổi từ 60 trở lên, hình thức quắc thước, mắt phượng mày ngài. Nay không nhất thiết phải có chức vụ cao, nhưng phải là người đức độ, năng động kinh doanh, có uy tín trong cộng đồng, tuổi đời từ 45 trở lên, có thể lực tốt. Quyền lợi của Tướng được tham vấn việc làng, võng lọng trong lễ hội. Nghĩa vụ Tướng phải khao quân, khao nguyên lão, nguyên tướng; hiệu triệu dân làng theo gương tiền nhân tiên công mở đất, bảo vệ non sông hải đảo. Bài hiệu triệu, gọi là bài rao, văn dạng hịch.
Lời rao của tướng văn có đoạn “Hỡi quân dân Vân Đồn ta kia! Đây tiền đồn của non sông đất Việt, sương nắng ngàn năm trung dũng kiên cường. Ta đứng đây đất đảo oai hùng của Trần Khánh Dư giết giặc. Trận thắng Vân Đồn góp chung phần giữ nước, cùng Bạch Đằng giang vùi xác lũ quân Nguyên". Lời rao của tướng võ có đoạn “Bớ trai Đoàn Bắc Võ ta kia! Ngàn năm núi dẫu có lở, non có mòn, chiến thắng Vân Đồn còn lưu truyền mãi. Sông Mang xưa sóng nổi, gươm khua, đao múa rợp trời. Núi Liễu Mai trống thúc quân reo, đã nhấn chìm thuyền chiến quân giặc. Đập tan mộng xâm lăng, giữ yên cõi nước nhà".
Tính từ khi triều đình Nhà nước phong kiến có sắc cho làng Quan Lạn phong tướng vào năm 1288, đến nay xã đảo này có trên dưới 1460 vị tướng, đứng đầu 2 giáp Đông Nam Văn, Đoàn Bắc Võ. Các vị tướng được phong trong các thời kỳ với con số lớn như vậy, nhưng chưa vị tướng nào “tham nhũng”, chưa ai vi phạm pháp luật, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Mỗi giáp hiện còn trên dưới 10 vị nguyên tướng, ai cũng là tấm gương sáng về đức độ, đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa trong khu dân cư. Các ông tướng mẫu mực, rất đáng kính phục.
Tướng được dân làng phong, mỗi năm thay tướng một lần.
Làng Quan Lạn xưa nơi diễn ra cuộc hải chiến kinh điển nhất trong lịch sử Việt Nam. Năm 1288, Quan Lạn đã có 3 vị tướng, nay lệ làng mỗi năm phong 2 tướng văn, võ, có thể gọi đây là làng nhiều người được phong tướng nhất Việt Nam.