Dưới cái nắng hanh khô của những ngày đông, sau gần 1 tiếng đồng hồ leo núi, chúng tôi đã tìm được đến nhà thầy giáo Hoàng Văn Chi. Ngôi nhà mái ngói đơn sơ của thầy nếp mình dưới những sườn núi của xóm Lũng Đẩy, xã Đa Thông, huyện Thông Nông. Thầy là hiệu trưởng đầu tiên - người đặt nền móng cho trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thông Nông bây giờ.
Trong ngôi nhà đơn sơ, thầy giáo Hoàng Văn Chi vẫn chăm lo cho các cháu nhỏ những bữa cơm, nhắc nhở các cháu việc học hành.
Thầy giáo Hoàng Văn Chi, người dân tộc Mông, sinh năm 1930, chất phác, vốn quen với nếp sống trên núi cao. Năm 1945, thầy giáo Chi đi dạy và là một trong những giáo viên bình dân học vụ trẻ nhất lúc bấy giờ. Nhưng chỉ 5 năm sau, cả bố và mẹ thầy đều mất, thầy phải quay về nhà thay bố mẹ nuôi các em…
Dù đã 87 tuổi, nhưng thầy Chi vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát. Hàng ngày, thầy vẫn thường giúp con cháu làm việc nhà, cần mẫn chăm sóc những khóm rau như trước đây cụ đã từng chăm sóc dạy dỗ cho các thế học sinh vùng cao.
Sự hy sinh của người anh mẫu mực đã giúp quãng thời gian vất vả thiếu bàn tay cha mẹ cứ thế trôi qua. Năm 1954, tỉnh quyết định cử thầy đi học trường Sư phạm miền núi Trung ương. Thầy giáo trẻ hào hứng nhận giấy gọi, lên đường xuống Hà Nội học tập. Sau thời gian đi dạy ở Lào Cai và công tác tại Vụ Giáo dục, tiếng gọi của quê hương thôi thúc thầy giáo trẻ trở về địa phương công tác.
Thầy Hoàng Văn Chi cùng các giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thông Nông và người dân huyện Thông Nông trong những ngày gian khó.
Ngày 18/11/1967, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định thành lập trường Thiếu nhi vùng cao huyện Thông Nông. Thầy Hoàng Văn Chi được cử về trường đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, dìu dắt ngôi trường từ buổi đầu sơ khai ấy. Lúc bấy giờ, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường hầu như chưa có gì.
Ngoài thầy Chi, đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ chỉ còn có thêm 4 người nữa. Các thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn tự tay dựng tạm lớp học, nhà bếp, nhà ăn bằng cột tre, vách đất. Học sinh của trường đều là người các dân tộc: Mông, Dao... Điều kiện làm việc, học tập trong giai đoạn này hết sức khó khăn và thiếu thốn, học sinh tuổi còn rất nhỏ, chưa quen với ăn ở, học hành tập trung và chưa tự biết vệ sinh chăm sóc bản thân…
Thầy Hoàng Văn Chi cùng các thầy, cô giáo vừa là người dạy chữ vừa là cha mẹ lo cho học sinh từng bữa ăn giấc ngủ. Trong những năm tháng gian nan vất vả ấy, thầy Chi đã cùng với các thầy cô giáo khắc phục mọi khó khăn, ổn định trường lớp học, lái đò đưa các thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức.
38 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, năm 1983, thầy nghỉ hưu và trở về với những ngọn núi, nương ngô trên Lũng Đẩy, với ngôi nhà gỗ đơn sơ vui vầy tuổi già bên con cháu. Rời bục giảng đã hơn 30 năm, nhưng sự cần mẫn, chăm chỉ của một người thầy công tác trong lĩnh vực giáo dục chưa bao giờ mất đi trong ông.
Không chỉ chăm lo cho các cháu nhỏ những bữa cơm, nhắc nhở các cháu việc học hành, thầy còn là người giữ lửa cho ngôi nhà bên sườn núi luôn ấm áp. Và những tấm huân chương cao quý vì sự nghiệp giáo dục, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng của thầy Hoàng Văn Chi sẽ luôn là tấm gương cho các con cháu trong gia đình noi theo.
Chia tay người thầy giáo tận tụy khi mặt trời đang khuất dần sau ngọn núi cao vời vợi. Ngoảnh mặt lại, chúng tôi nhận thấy những triền núi hình trang sách mở đang tràn ngập ánh nắng chiều. Không chỉ có thầy, phía sau ấy vẫn sẽ còn có những thế hệ nhà giáo ngày đêm miệt mài mang con chữ đến với học sinh vùng cao.
(Nguồn: Trang Thông tin điện tử tổng hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng)